Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhà thơ Bùi Bá Tuân - Người con hiếu thảo của xứ Đông

Vùng đất địa linh nhân kiệt Chí Linh (Hải Dương) và tấm lòng bao la như biển cả của người Mẹ Việt Nam anh hùng đã chắp cánh cho Bùi Bá Tuân trở thành nhà thơ; không những thế, ông còn là doanh nhân luôn hướng về quê hương, nguồn cội...

Mấy chục năm nay, nhà thơ Bùi Bá Tuân đã tài trợ hàng chục tỷ đồng xây nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sỹ, thương binh…, tài trợ cho quỹ khuyến học, giúp hàng trăm em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục cắp sách tới trường… Ngoài ra, ông còn tài trợ để xây mới, trùng tu, tôn tạo 64 ngôi chùa, 7 ngôi đình ở huyện Chí Linh và nhiều công trình lịch sử, văn hoá trong cả nước.

Là Chủ tịch Hội thơ tỉnh Hải Dương, Bùi Bá Tuân thường xuyên tài trợ cho các cuộc thi văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Ông đã góp phần phát hiện và nâng đỡ nhiều tài năng văn chương. Một ngày tháng Tám, chúng tôi đến thăm nhà thơ ở số nhà 37, đường Nguyễn Trãi, thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh). Ai cũng ngỡ ngàng bởi toà biệt thự 6 tầng, được xây dựng theo kiến trúc phương Tây hiện đại. Bước qua cánh cổng, lại nhận thấy phảng phất quy luật phong thuỷ phương Đông trong từng hàng cây, viên gạch... Ông Tuân tiếp chúng tôi như bạn cũ lâu ngày không gặp. Ông có trí nhớ tốt, kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt rất giỏi địa lý, phong thuỷ. Nhà thơ cho hay, toà biệt thự này ông cho chuyên gia nước ngoài thuê làm việc, nó là một trong những nguồn thu nhập chính để ông có điều kiện hoạt động từ thiện.

Chúng tôi say sưa chuyện trò về nhiều chủ đề, rồi cùng ông đi thăm khu lăng mộ của gia đình, do chính ông lựa chọn vị trí, thiết kế và chỉ huy thi công. Nhà thơ tâm sự: “Công trình này là món quà báo hiếu của tôi với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Tại đây có phần mộ của cha và những người em liệt sỹ của tôi”.

Trong nhiều bài thơ của mình, Bá Tuân nhắc đến mẹ như một biểu tượng của sự hy sinh, can trường:

Mẹ tiễn chồng đưa con lần lượt ra đi đánh giặc.

Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, cuộc đời của bà mẹ nghèo đảm đang, một lòng yêu thương chồng con chính là “bệ phóng” để ông trở thành nhà thơ và doanh nhân thành đạt, có tấm lòng nhân hậu, vị tha. Bùi Bá Tuân sinh ra trong một gia đình:

Bố nặng chiến trường, mẹ nặng đắng cay
Không đất, không nhà, không ruộng cấy cày
Thắt bụng nuôi con lấy nghề rừng độ mạng.

Hình ảnh ngời sáng trong thơ Bá Tuân chính là mẹ của nhà thơ – Mẹ Việt Nam anh hùng:

Riêng mẹ con tôi chỉ có rừng thiêng và xó chợ
Nghèo cùng đinh, mẹ không mắc nợ
Mưa bão chết cò, nắng lửa
Mẹ vẫn vào rừng tất cả vì con.

Chiến tranh để lại bao tang tóc, đau thương với gia đình nhà thơ: cha hy sinh ở chiến trường, hai em là liệt sĩ, một là thương binh nặng. Riêng nhà thơ trên mười năm sống đời binh lửa, khi có dịp trở lại cố hương, thì người mẹ già nua đã gần đất xa trời, bà chỉ kịp dạy con:

Con ơi cố sống làm người
Hiếu, trung, nhân, nghĩa là nơi trường tồn.

Để báo hiếu cha mẹ, vượt lên biết bao khó khăn, vất vả, Bá Tuân lao vào việc kinh doanh, không ngừng học hỏi để vươn lên. Những mất mát, đau thương không làm ông gục ngã mà càng giúp ông có ý chí, nghị lực để vươn lên trở thành doanh nhân lớn, mang tài năng, tấm lòng nhân ái giúp đời. Nhà thơ thấy ấm lòng mỗi khi làm được điều thiện, ông có cơ hội báo hiếu với vong linh mẹ, cha; xứng đáng với sự hy sinh của các em mình:

Mỗi lần em thắp nén hương
Sửa mình, tu thiện thấy mười phương nhiệm màu.

Hình ảnh của mẹ ông đã trở thành hình ảnh của mẹ Tổ quốc, suốt đời không nghĩ tới mình, chỉ lo cho chồng con, đây cũng là động lực mạnh mẽ giúp nhà thơ làm điều thiện:

Người phụ nữ cùng đinh quá cố
Khắc khoải vì chồng, tất cả vì con.

Bùi Bá Tuân may mắn được sinh ra ở mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi ấy từng in dấu chân Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... Lúc nào bên tai thi nhân cũng:

Vang vọng thạch bàn, lời cáo Bình ngô
Hịch tướng sĩ văn và đại bái thày Chu.

Con đường để Bùi Bá Tuân trở thành một thi nhân, một người làm từ thiện như thế đó!

Cùng với việc làm từ thiện, đến nay Bùi Bá Tuân đã xuất bản được hai tập thơ: Thơm mãi hương đời và Thương phận đàn bà. Ước mơ được tiếp tục đóng góp nhiều tác phẩm và tài trợ cho quê hương là phương châm sống của Bùi Bá Tuân:

Vạn đại chí nhân cần kiệm học
Muôn năm hiếu nghĩa nhằm xây đời.

Quang Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét