Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Lý trí vào đời

TIẾNG NÓI "VÔ THANH" CỦA NGÔN NGỮ TÂM LINH

TRẦN XUÂN ĐẠT

Tác giả Bùi Bá Tuân là Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ tỉnh Hải Dương, sinh năm 1942 tại Sao Đỏ, huyện Chí Linh - vùng đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt từ nhiều thế kỷ qua, mỗi khi có dịp nhắc đến vùng đất đã cho anh nguồn sinh dưỡng, và nuôi anh khôn lớn suốt tuổi thơ lam lũ cơ cực, thì dù ở đâu và ở bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng luôn nhớ tới với tấm lòng trân trọng tri ân, với sự ngưỡng vọng xuất phát từ sâu thẳm tâm khảm - Một Con Người - Máu Thịt - của mảnh đất thiêng ngàn năm này!

Quê hương ai chẳng có! Nỗi nhớ về quê hương ai chẳng có sẵn trong trái tim mình! Một cánh cò bay lả chiều hôm, một dải mây trắng bồng bềnh trong nắng sớm, hay một dải mây lờ lững ráng chiều hôm! Một con đò xuôi về bến nhớ, một cây đa, mái lá, cánh rừng nhuộm tím hoàng hôn, một luỹ tre xanh thả bóng trưa hè! Tất cả. Tất cả đều khẳm sâu trong mỗi chúng ta dù Vô Thức!



Tập thơ Lí Trí Vào Đời của Bùi Bá Tuân thì nỗi nhớ về hình bóng quê hương "hơi khác"; nỗi nhớ này "hơi khác"!... vâng tôI xin nhấn mạnh một lần nữa cùng bạn đọc yêu quý! Nó thực sự "Hơi khác" với bất kỳ tập thơ nào tôi đã từng hân hạnh được đọc qua/... Rất có thể sức đọc của tôi có hạn trước biển thi ca vô tận của nhân loại chăng? Cũng có thể do sự "đồng thanh" của một tâm hồn tưởng chừng cô độc nhưng bất ngờ được gặp lại một hồn thơ "tương ứng" mà thành ra chủ quan thế chăng? Vâng cũng có thể tất cả chỉ là cảm tính, là ảo giác phù phiếm của một kẻ vốn trân trọng những Người Làm Thơ / Người Thơ mà "cảm" ra điều "hơi khác" vậy thôi!

Cái "hơi khác" trong tập thơ này, tôi sẽ trình bày cùng độc giả đang đọc và sẽ có dịp được đọc tập thơ Lí Trí Vào Đời, là cái đóng vai trò chủ đạo làm nên hồn cốt, diện mạo tập thơ, là yếu tố trợ nguồn cho xúc cảm "thơ" của tác giả xuyên suốt tập thơ, và cũng chính là cái khoá chốt quyết định cho cấu trúc/ không gian trong (không gian chung toàn tập - Lí Trí Vào Đời - gồm hai mảng không gian chính cấu thành đó là mảng không gian linh hoạt / động / không gian của từ ngữ, con chữ - đối tượng tryền tảI thông tin ngôn ngữ, nghĩa từ tác giả/ động / đến bạn đọc / tĩnh / và không gian tĩnh / không gian tồn tại trong bố cục, hình khối sắp đặt, đường nét các hình ảnh, tranh vẽ minh hoạ cho ý tưởng) của tập thơ thêm vững chắc, đó chính là tiếng nói "vô thanh" của ngôn ngữ tâm linh (biểu hiện trạng thái của niềm tin ở ngưỡng cao nhất, mãnh liệt nhất / niềm tin "cận tuyệt đối" lý tính và phi lý tính). Và nó được thẩm thấu / biểu hiện xuyên suốt tập thơ dưới các lớp ngôn từ/ góc độ tình cảm/ trạng thái xúc cảm thể hiện nhân sinh quan của tác giả / chủ thể sáng tạo / rất trung thực; rất hàm xúc, và triết lý dóng riết qua nhiều mảng đề tài được đề cập khai thác, từ đó vượt qua lí trí thông thường đạt tới độ " cảm" của đối tượng tiếp nhận (người đọc). Qua các mối quan hệ đa chiều giữa Người và Người; con người với thiên nhiên, vạn vật; con người với lịch sử xã hội con người.v.v... thể hiện tư tưởng vào niềm tin / trạng thái tin cao độ vào tính Người (lương tri; lương năng) trước mọi hoàn cảnh, mọi tình huống éo le của cuộc sống.

Tiếng nói "vô thanh" của ngôn ngữ tâm linh ngân lên từ chính tâm hồn tác giả là sự kết dính xuyên suốt mọi không gian tĩnh / động trong tập thơ thông qua mối liên hệ và ý thức hành xử giữa các mối quan hệ của đối tượng thơ -biến thể của cái tôi trữ tình / ông, bà, cha, mẹ, con cái, anh em.v.v... với nhiều cấp độ sắc thái tình cảm, nhưng vượt lên trên hết, mang tính định hướng chi phối toàn bộ các tác phẩm, bao trùm lên trên các lớp ngữ ngôn vẫn là - tư tưởng hướng tới một niềm tin tươi sáng với mọi nỗ lực tự hoàn thiện, vươn tới không ngừng của lương tri, lương năng tiềm tàng trong bản chất Người. Nếu tác phẩm Mẹ tôi, Lời hát ru của cha, ông tôi là tiếng nói thoát ra từ tâm hồn người con, từ tình yêu của người con có trí huệ dành cho người mẹ, người cha, người ông đã khuất của mình với hai chiều cảm thức rõ rệt, biểu hiện của hai trạng thức tĩnh và động song hành cùng nhau suốt chiều cảm hứng chủ đạo của bài thơ; dạng thức động là tâm trạng, cảm xúc, là chiều sâu ngẫm ngợi trước nhiều tình huống xảy ra trong trọn cuộc đời vất vả, lam lũ của mẹ, của cha, của ông từ góc độ của người con đã từng cùng mẹ nếm trải cơ cực suốt ấu thơ; "Nghĩa hiếu sinh không thể phai mòn / Con xây mộ, lập bàn thờ - nhớ ghi công ơn mẹ - Mẹ Tôi; hay: Gốc hiếu sinh là cội của lòng son.../ Xét thấu sự đời nhìn thế cờ toàn cục. -Lời hát ru của cha ; hoặc: Giúp ai cơ nhỡ - phù người nghĩa nhân...vì con, vì vợ, vì phần tâm linh / Cả đời vì nước vì dân/ Đức tài kinh sử vẹn tình hơn cha...- Ông tôi", thì dạng thức tĩnh chính là luồng tư duy về lẽ / đạo làm người, là triết lý nhân sinh gói tròn kiếp làm người: "Có phải chăng mẹ có cả đất trời / Có Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Âu Cơ phù hộ./ - (Mẹ tôi); hay: Nước mắt mồ hôi luyện tôi bền bỉ / ý chí bao đời mới thành hùng vĩ hôm nay - Lời hát ru của cha; hoặc: Tiền quyền dù lớn đến đâu nghĩa nhân hưng thịnh ở câu báo đền.- Ông tôi . Hai dạng thức này xuất hiện không có xu hướng phủ định nhau, lấn lướt nhau mà quấn quện, nâng đỡ cho tư tưởng chủ đạo vượt lên, nổi trội toả ánh tâm linh, soi sáng luồng ý thức khao khát vươn lên, khao khát hướng thiện qua niềm tin mãnh liệt vào cái Tâm, cái Trí, cái Đức ở mỗi kiếp người; "Mỗi lần con thắp nén hương / Sửa mình tu thiện - thấy mười phương nhiệm mầu! - (Mẹ tôi); Sống vì đời vì nghĩa nước tình dân - Lời hát ru của cha; Đấy là hồng phúc ông bà / Truyền lưu con cháu nở hoa sang giàu - Ông tôi".

Mảng đề tài khai thác mối quan hệ con người với lịch sử xã hội con người, trong mối liên hệ đan cài lại qua giữa con người chủ thể trữ tình trong từng tác phẩm hiện lên với tâm thế nổi bật của nhân cách, của lương tri: "Đài hoa kính thầy; Nhớ về Nguyễn Trãi - Côn Sơn; Tâm Đức; Phù hậu thế; tuổi vàng, v.v..". Ở mảng này sự tự ý thức / Lí trí/ đến động cơ vươn lên; vượt qua và đạt tới mục đích sống tốt đẹp của cái tôi - bản thể - giữa cộng đồng và xu hướng phát triển mạnh mẽ của bản ngã tìm tới sự "nhập thế" và "độ thế" thuộc dạng thức động: "Uy danh nhà giáo lừng vang/ Tấu trình "Thất trảm" - sớ vàng vua ngơ/ Dụ Tông không hiểu hồn thơ / Để thầy nức nở thế cờ nước non - "Đài hoa kính thầy; hay: Núi cao thông mọc chọc trời/ Thông reo ai oán lệ lời Chi Viên - Nhớ về Nguyễn Trãi - Côn Sơn". Tầm bao quát và hướng nhìn nhận nguyên lý hoạt động của cơ chế tinh vi chi phối vận động tri thức xã hội, tìm tới căn nguyên khởi phát của nó thuộc dạng thức tĩnh "Suối hát thông reo hồn Nguyễn Trãi.../ Thác đổ Thạch Bàn nguồi suối lộc - Dự hội bàn cờ tiên; hay: Chỉ vì Đại nghĩa lệ tràn ức Trai... Người mong thơ nhạc lòng dân - Nhớ về Nguyễn Trãi Côn Sơn; Chẳng màng mũ áo, giá cơm/ thẳng nghiêm, lẫm liệt, kỷ cương đạo Thầy - Đài hoa kính thầy". Hai dạng thức vẫn tuần tự và liên hoàn trong mạch cảm xúc sáng tạo, tuy vậy ở đây đã có sự mâu thuẫn, đối chọi nhau nhưng không có hướng triệt tiêu nhau toàn diện, chúng tiếp diễn vận động theo chiều hướng tương sinh, tương khắc với luồng tư tưởng chủ đạo của toàn tập thơ, nếu diễn đạt theo tư tưởng của đạo Phật thì đó là "căn" và "quả". Chính nhờ những mặt đối lập đó mà niềm tin/ ngưỡng tin càng được đẩy cao tới tầm nghệ thuật sống và biết sống: "Chúng con dâng lễ, dâng hương/ Lập đền thờ cúng, mở đường tầm sư/ .../Rì rầm nhạc suối trong veo/ Hát cùng vựa lúa, hoà theo Kinh Thầy - Đài hoa kính thầy"; Trầm ngâm cây đại chứa đầy thời gian/ Nghìn thu bia sử còn ghi/ "Tru di ba họ" lưỡi gươm oan cừu - Nhớ về Nguyễn Trãi Côn Sơn".

Đắm chìm giữa thiên nhiên, giữa vạn vật, với cảnh sắc quê hương đất nước, là hai dạng thức tĩnh, động vẫn được tuân thủ triệt để và ở đó, tình người càng được khẳng định ở tầm cao ý thức hệ, tầm cao triết luận nhân bản. Tập hợp những biểu tượng trữ tình, được tác giả sử dụng như một phương tiện gửi gắm, tryền tải thông tin cảm xúc. Từ chiếc xe bò bánh gỗ, đôi dép quai mỏ hiện thân của sự tột cùng lam lũ, cơ cực cho đến "quyền lực vô song" của đồng tiền đang hiện hữu từng ngóc ngách cuộc sống cùng sự tha hoá bản chất Người trong mối quan hệ xã hội: "Tín dụng cho vay lãi/ Tất cả ba mươi đồng/ Để thoát cảnh gánh gồng/ mua xe bò bánh gỗ/ của bà Lung loại bỏ/ Tất cả ba mươi đồng ... Có xe vui củi rừng/ Tôi làm bò kéo khoẻ/ Đỡ đôi vai cho mẹ - Xe bò bánh gỗ vào đời; Dép quai mỏ ra đời...Giá tiền bằng gánh nứa/ ngang ống gạo một thời... Dép quai mỏ; Chốn thương trường người người dàn thế trận/ chẳng mấy ai tài bút hoạ thế cờ - Bí quyết thương trường; hay: Tướng mũ áo cân đai - lòng phản trắc/ cưỡi tiền quyền gieo hận mất lòng dân - Ứng nghiệm"(trạng thái động). Bên cạnh đó là sự đau đáu xa xót, cảm hoài, tâm trạng xúc cảm dồn nén theo từng cung bậc từ day dứt, bất lực, đến ý thức cảm hoá, trỗi dậy, xoá bỏ triệt để căn tính, gạn thô, lọc tinh, khôi phục đến tận cùng bản chất thực của Người: Có ai hay bí quyết của thương trường/ trong chữ "Tín" có bao điều kì diệu - Bí quyết thương trường; Phúc hoạ từ tâm động sớm chiều/ Thế thái nhân tình quen mà lạ - Hồn thơ quen...lạ; Việc làm, sách đọc nghĩa tình/ Tạo cho con thấy vinh quang tràn đầy - Khuyên con cai nghiện; Để em đi vì định hoạch gần xa/.../ Chỉ có tình anh hoà máu lệ trăng già - Gửi em đi xuất ngoại. (trạng thái tĩnh). Trên cơ sở đó làm tiền đề xây dựng, và củng cố vững chắc niềm tin vào sự hướng thiện, tận chân, tận mĩ của tâm hồn mỗi người: "Đời son sắt một tấm lòng trung hiếu/ Nhớ thương người thương bao nhiêu vẫn thiếu - Nhân Nghĩa; Làm vợ, làm dâu mong em tròn đạo hiếu/ để gương đời làm mẹ phúc đời con - Gửi em đi xuất ngoại; Công dung ngôn hạnh vẹn toàn/ Sắt son trung hiếu cung đàn nghĩa nhân - Mẹ khuyên con gái trước giờ xuất giá; Người có địa lý thiên văn tướng pháp sáng ngời/ Là gốc nhạc công thành đường sự nghiệp/ Việc thành bại vẫn xoay vần vạn kiếp/ Rất lạ mà quen tan hợp thần kỳ/ Tất cả nhờ thời cùng tâm trí mở đường thi - Bí quyết thương trường".

Với cấu trúc tổng thể của tập thơ là hai mảng không gian (trong) chính; không gian của từ ngữ, con chữ - đối tượng tryền tải thông tin ngôn - nghĩa và không gian của bố cục, hình khối sắp đặt, đường nét các hình ảnh, tranh vẽ được xây dựng triệt để theo nguyên lí trong "tĩnh" có "động", trong "động" có "tĩnh", hài hoà, giao thoa với nhau tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất làm bệ phóng cho nội dung tư tưởng thêm cao, đó chính là tiếng nói "vô thanh" của ngôn ngữ tâm linh vang suốt tập thơ Lí trí vào đời và là điểm khác biệt làm nên phong cách rất riêng trong thơ Bùi Bá Tuân, và là dấu ấn rất dễ nhận thấy với bạn đọc từng yêu thích thơ anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét